Tác dụng chữa bệnh của lá, thân, rễ của Đinh lăng

Đinh lăng được mệnh danh là nhân sâm của người nghèo vì dược liệu này có tác dụng gần giống nhân sâm và loài cây này được trồng phổ biến tại các gia đình tại Việt Nam. Lá, thân, rễ của Đinh lăng đều có thể sử dụng làm thuốc với nhiều công dụng và bài thuốc khác nhau. Theo y học cổ truyền, rễ cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng bổ khí, lợi sữa, giải độc; lá Đinh lăng có  vị đắng, tính mát giúp thông huyết mạch, bổ khí huyết, giải độc. 

Vậy cách sử dụng Đinh lăng thế nào cho hiệu quả? Có những lưu ý gì trong cách sử dụng? Mời bạn đọc cùng dược sĩ tại pqanamdinh.com tìm hiểu bài viết dưới đây.

Thông tin khoa học về cây Đinh lăng

đinh lăng
Cây Đinh lăng
  • Tên khác: cây gỏi cá, nam dương sâm
  • Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms
  • Họ: Nhân sâm (Araliaceae)

Bộ phận dùng

Rễ, thân, cành, lá Đinh lăng đều có thể dùng làm thuốc

Thành phần hóa học của lá, thân, rễ Đinh lăng

Thành phần hóa học trong cây đinh lăng
Thành phần hóa học trong cây Đinh lăng

Nhiều nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu để xác định các thành phần hóa học có trong cây Đinh lăng, qua đó đã xác định trong rễ, thân, lá Đinh lăng có các glycosid, alcaloid, tanin, vitamin B1, B2, B6, C và có khoảng 20 loại acid amin như: arginin, alanin, asparagine, acid glutamic, methionine, threonine, tyrosine, cysteine, tryptophan, leucin, lysin, phenylalanin, prolin ….

Ngoài ra, trong Đinh lăng còn có một hoạt chất rất quan trọng và đặc trưng của các cây họ Nhân sâm, đó là saponin. Năm 1991, giáo sư Võ Xuân Minh cùng các cộng sự đã khảo sát hàm lượng saponin toàn phần trong các bộ phận của cây Đinh lăng với kết quả: rễ (0,49%), vỏ rễ (1,00%), lõi rễ (0,11%), lá (0,38%).

Để thu hoạch rễ Đinh lăng có hàm lượng hoạt chất cao nhất, nên thu hái vào mùa thu đông, sau khi cây trồng trên 5 năm , đào lấy rễ, rửa sạch, bóc lấy vỏ rễ, thái lát, phơi khô. Lá tươi thu hái quanh năm

Tác dụng của dược liệu Đinh lăng

8 nhóm tác dụng của đinh lăng

Các nhà khoa học trong nước kết hợp với các nhà khoa học Nhật Bản, Hàn Quốc đã có các công trình nghiên cứu các bộ phận của cây Đinh lăng bao gồm: lá, bó thân, bó rễ thấy rằng dược liệu này có 8 nhóm tác dụng chính là:

  1. Tác dụng bổ dưỡng: khi sử dụng thấy cơ thể khỏe, sức chịu đựng dẻo dai hơn, thể lực tăng lên.
  2. Làm hoạt động não bộ tốt hơn, Đinh lăng có tác dụng tăng tuần hoàn máu từ tứ chi, từ tim lên não,làm tăng trí nhớ, giúp an thần,dễ ngủ.
  3. Giúp tăng sức đề kháng của cơ thể.
  4. Giúp bảo vệ tế bào gan, giải độc gan, trị các chứng ban chẩn, trị mụn nhọt sưng tấy, dị ứng mẩn ngứa.
  5. Có tác dụng làm hạ cholesterol ,lipid trong máu, làm lưu thông máu tốt hơn.
  6. Làm tăng sinh lý cả nam và nữ.
  7. Giúp lợi sữa, thông tiểu tiện.
  8. Chữa phong thấp, đau xương khớp, đau lưng.

Ngoài ra, Đinh lăng còn để điều trị bệnh nhân bị lỵ amip, có nơi dùng chữa ho, đau tử cung, chống độc và co rút tử cung.

Ở Ấn Độ, Đinh lăng được dùng làm thuốc săn da và trị sốt rét. Bột lá được giã với muối và đắp vào vết thương.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Cape Coast, Ghana kết luận rằng dịch chiết xuất lá Đinh lăng có tác dụng mạnh chống viêm; một đặc tính hữu ích trong việc điều trị hen suyễn.

Ứng dụng của lá, thân, rễ Đinh lăng trong cuộc sống hàng ngày

Chữa bệnh mệt mỏi, biếng hoạt động

Đinh lăng (rễ) phơi khô, thái mỏng 0,5g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày

Chữa sưng vú, tắc sữa

Rễ cây Đinh lăng 30-40g. thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng. Uống luôn 2-3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường

Cành lá Đinh lăng 30-40g. Thêm 300ml nước, sắc còn 200ml, uống nóng. Ngày uống 1-2 lần.

>> Xem thêm: Sản phẩm chữa tắc tia sữa của PQA

Lợi sữa

Lá tươi băm nhỏ trộn với gạo nếp nấu cháo ăn, ngoài ra dân gian còn có thể thêm bong bóng lợn băm nhỏ để nấu cháo cùng.

>> Xem thêm: Sản phẩm giúp sữa mẹ về nhiều của PQA

Chữa đau tử cung

Cành lá Đinh lăng rửa sạch sao vàng, sắc uống thay nước. Đây là kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông

Thuốc chống khát giải nhiệt

  • Lá Đinh lăng: 50g;
  • Cam thảo dây: 50g
  • Cúc hoa: 1g

Lá Đinh lăng, cam thảo dây sao thơm trộn với hoa cúc, hãm với nước sôi uống thay nước chè hàng ngày

Chữa mẩn ngứa do dị ứng

Lá Đinh lăng: 80g, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 2-3 tháng

Hạ sốt ở trẻ

Lá Đinh lăng kết hợp với vị thuốc nam khác như lá chanh, lá tre tưới, lá rau má, vỏ quýt đun lên, chắt lấy nước cho trẻ uống.

Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu,ho, đau, tức ngực, nước tiểu vàng

  • Đinh lăng rễ tươi (rễ, cành), Cam thảo dây hoặc Cam thảo đất, Rau má tươi, mỗi vị 30g;
  • Sài hồ (rễ, lá, cành), Lá tre tươi, Me đất, mỗi vị 20g;
  • Lá hoặc vỏ Chanh, Vỏ quýt, mỗi vị 10g;

Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia uống 3 lần trong ngày

Chữa thiếu máu

  • Rễ Đinh lăng, Hà thủ ô, Thục địa, Hoàng tinh mỗi vị 100g;
  • Tam thất: 20g;

Tán bột, sắc uống trong ngày

Chữa viêm gan mạn tính

  • Rễ Đinh lăng: 12g;
  • Nhân trần: 20g;
  • Ý dĩ: 16g;
  • Chi tử, hoài sơn, Biển đậu, rễ Cỏ tranh, Xa tiền tử, Ngũ gia bì, mỗi vị 12g;
  • Uất kim, Nghệ, Ngưu tất, mỗi vị 8g;

Sắc uống, ngày 1 thang

Chữa liệt dương

  • Rễ Đinh lăng, Hoài sơn, Ý dĩ, Hoàng tinh, Hà thủ ô, Kỳ tử, Long nhãn, Cám nếp, mỗi vị 12g;
  • Trâu cổ, Cao ban long, mỗi vị 8g;
  • Sa nhân: 6g;

Sắc uống, ngày 1 thang

Chữa sốt rét

  • Rễ Đinh lăng, Sài hồ, mỗi vị 20g;
  • Rau má: 16g;
  • Lá tre, Cam thảo nam, mỗi vị 20g;
  • Bán hạ sao vàng: 8g;
  • Gừng: 6g;

Sắc uống

Chữa phong tê thấp, đau xương khớp, đau lưng

Đinh lăng 100g, thái khúc, sao vàng, sắc uống nước dùng hàng ngày

Phòng tác dụng của thuốc điều trị lao

Lá Đinh lăng sao vàng 20g-25g, hãm uống nước dùng hàng ngày.

Kết hợp lá Đinh lăng trong ăn uống

Món ăn cùng lá đinh lăng

Ăn kèm gỏi cá, kèm nem thính. Các món ăn: sườn non nấu cùng như rau, cá chuối hấp cùng gừng Đinh lăng, cá kho cùng lá Đinh lăng, thịt bò xào lá Đinh lăng…

Theo tiến sĩ Võ Văn Chi người được mệnh danh là “pho từ điển sống của thực vật Việt Nam”, lá Đinh lăng có hàng loạt ứng dụng trong đời sống như:

  • Lá Đinh lăng phơi khô đem lót gối hoặc rải giường cho trẻ em nằm đề phòng kinh giật. 
  • Phụ nữ sau sinh đẻ uống nước sắc lá Đinh lăng khô thấy cơ thể nhẹ nhõm, khỏe mạnh, có nhiều sữa.
  • Lá tươi băm nhỏ cùng với bong bóng lợn trộn với gạo nếp nấu cháo ăn cũng lợi sữa
  • Ở Campuchia, người ta còn dùng lá phối hợp với các loại thuốc làm bột hạ nhiệt và cũng dùng như thuốc giảm đau.
  • Lá dùng xông làm ra mồ hôi và chứng chóng mặt.
  • Dùng tưới giã nát đắp ngoài trị viêm thần kinh và thấp khớp và các vết thương.
  • Lá nhai nuốt nước với một chút phèn trị hóc xương cá.

Lưu ý khi sử dụng Đinh lăng

  • Trong dược liệu Đinh lăng có hoạt chất saponin có tác động không có lợi đến hồng cầu, do đó nên dùng với liệu lượng nhất Đinh. Chuyên gia khuyến cáo nên dùng ít hơn 150g/ngày với dược liệu tươi, và ít hơn 30g/ngày với dược liệu khô. Không dùng rễ Đinh lăng với liều cao vì sẽ gây hiện tượng say thuốc, gây cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Không nên lấy Đinh lăng trồng ở những vùng đất không đạt vệ sinh, cụ thể là những vùng đất bị nhiễm chất bảo vệ thực vật, không khí xung quanh bị ô nhiễm bởi khói bụi, vi khuẩn ví dụ như gần trang trại nuôi gà, lợn hoặc nơi bị nhiễm sóng điện từ như gần các trạm ra đa.
  • Nên chọn đúng loại Đinh lăng lá nhỏ của Việt Nam để dùng. Hiện nay, trên thị trường có xuất hiện các loại Đinh lăng Trung Quốc, loại này trồng ngắn ngày và năng suất hơn loại của Việt Nam, loại cây này chỉ trồng khoảng 2 năm là có rễ, thân, củ to như giống Đinh lăng ta trồng từ 10 – 15 năm tuy nhiên chất lượng không bằng. Phân biệt bằng cách:loại của Trung Quốc thân, rễ vàng sẫm, khi sao lên lá, thân, rễ không có mùi thơm như của Việt Nam.
Đinh lăng trung quốc
  • Đối với lá, thân, cành, rễ sau khi thu hái, cắt nhỏ, chúng ta lên phơi khô sao cho độ ẩm dưới 13% để tránh ẩm mốc. Cho dược liệu khô vào bao nilon, để trên kệ cách mặt đất từ 40-50cm để tránh nhiễm hơi ẩm từ đất. Khi dược liệu đã có dấu hiệu bị mốc thì không được sử dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y tế (2018), Dược điển Việt Nam V, tập 2, NXB Y học, Tr 1168-1169.
  2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Tr 828-830.
  3. Võ Văn Chi (1998), Cây rau làm thuốc, NXB tổng hợp Đồng Tháp, Tr 82-42.
  4. Nguyễn Văn Sang, 750 cây lá thuốc nam, NXB Phương Đông, Tr 121.
  5. Bộ y tế, Vụ Y học cổ truyền (2005), Cây hoa làm thuốc, NXB Y học, Tr 21-22.
  6. Quyết định 4664/QĐ-BYT năm 2014 ban hành bộ tranh cây thuốc mẫu sử dụng trong cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  7. PGS-TS Nguyễn Thượng Dong nguyên là viện trưởng viện dược liệu Trung Ương phát biểu với VTC16, https://www.youtube.com/watch?v=GUs6Hr03_6w.
  8. http://www.phytopharmajournal.com/Vol3_Issue5_06.pdf.