Ngạt mũi, chảy mũi ở trẻ em là hai dấu hiệu rất thường gặp, nhất là vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi.
Khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ngoài việc tìm các nguyên nhân để điều trị, chúng ta cần nhỏ thuốc tại chỗ cho trẻ được khô mũi và thở thông. Các thuốc nhỏ mũi, xịt mũi hiện có rất nhiều, vì vậy cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cũng như cân nhắc kỹ khi lựa chọn thuốc.
1. Nguyên nhân gây ngạt mũi, chảy mũi ở trẻ em
- Có thể là một dị vật vào trong mũi: khi đó trẻ thường ngạt một bên, chảy dịch một bên mũi, 1-2 ngày sau mũi có mùi hôi. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ do các bé có thể vô tình nhét vật lạ vào mũi như các loại hạt: hạt đỗ, hạt lạc, hạt ngô…, những mảnh giấy vụn hoặc những đồ chơi nhỏ… Vì vậy khi trẻ bị ngạt mũi một bên có mùi hôi nhất thiết phải đến cơ sở tai mũi họng khám để lấy dị vật ra.
- Còn rất nhiều các nguyên nhân gây chảy mũi, ngạt mũi khác như viêm mũi dị ứng, viêm mũi họng thông thường (hay còn gọi là cảm cúm), nhiễm khuẩn đường hô hấp trên với triệu chứng chảy mũi, ngạt mũi, ho, có thể sốt nhẹ, đặc biệt là viêm mũi xuất tiết…
2. Các loại thuốc nhỏ mũi
- Các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi thông thường đó là: Nước muối sinh lý (NaCl 9%) là nước muối đẳng trương, có tác dụng rửa mũi làm cho dịch mũi loãng ra và giữ cho niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường. Có thể nhỏ 4-5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm 2, 3 – 4 lần. Chú ý không bơm nước muối sinh lý mạnh quá vào mũi để khỏi chảy xuống họng, nhất là trẻ sơ sinh dễ gây sặc. Loại này hoàn toàn không nguy hiểm và có hại gì, có thể dùng lâu dài.
- Sterimar (nước biển phun sương) Làm cho niêm mạc mũi trở lại bình thường. Có ưu điểm hơn nước muối sinh lý là có chứa nhiều hoạt chất với các nguyên tố kim loại và nguyên tố vi lượng như bạc, kẽm có thể kháng viêm, đồng, mangan kháng dị ứng… Dùng theo dạng phun sương nên có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi… vì vậy được dùng trong viêm mũi xuất tiết, sau các thủ thuật ở mũi, sau nạo VA, sau cầm máu mũi… Loại thuốc này hoàn toàn vô hại, có thể dùng lâu được. Nhóm các thuốc co mạch gồm sunfarin 1% (cho trẻ em).
- Eferin 1% giúp cho niêm mạc cuốn mũi co lại làm cho trẻ thở thông thoáng, dễ chịu. Dùng sunfarin và eferin có tác dụng nhanh chữa ngạt mũi nhưng không nên dùng kéo dài quá 2 tuần vì dùng nhiều có thể gây co mạch.
- Naphazolin 0,05%: loại thuốc này chống ngạt tốt, nhanh nhưng ảnh hưởng đến tim mạch. Đã có những trường hợp cháu bé dùng naphazolin bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Vì vậy tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.
- Otrivin là loại thuốc gồm xylometazolin cũng có tác dụng co mạch tốt, phòng ngừa không cho virut, vi khuẩn phát triển, làm sạch hốc mũi, mũi thông thoáng nhanh, tuy nhiên không nên dùng kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, chỉ nên dùng không quá 2 tuần để niêm mạc kịp hồi phục.
- Pivalone là loại thuốc chủ yếu là tixocortol hay dùng để xịt mũi khá tốt vì đây là loại thuốc xịt (spray) làm sạch chất nhày ở mũi, làm thông thoáng mũi, niêm mạc mũi ít bị tổn thương, ít hại cho trẻ em. Thuốc dùng trong điều trị chảy mũi kéo dài như viêm mũi cấp, viêm mũi mạn, viêm mũi theo mùa, viêm mũi vận mạch và viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc trên trước khi nhỏ hoặc xịt mũi đều phải hút hết dịch mũi, nói cách khác phải làm sạch hốc mũi trước khi sử dụng thì thuốc mới có hiệu quả.
- Clorocide (cloramphenicol) 4% là loại thuốc có kháng sinh dùng để sát trùng mũi. Đặc biệt trong các dịch cúm, sởi có thể dùng đồng loạt cho các vườn trẻ, mẫu giáo. Nhưng nên nhỏ vừa phải (2- 3 giọt) vì thuốc đắng chảy xuống họng các cháu dễ nôn hoặc trớ. Loại này ít có tác dụng làm co mạch.
- Argyrol 1% là loại thuốc có muối bạc (NO3Ag) có tác dụng sát trùng nhẹ, làm săn niêm mạc, rất tốt cho trẻ trong các trường hợp viêm mũi nhiễm trùng, trong các dịch cúm, sởi. Tuy nhiên cũng không nên dùng thuốc kéo dài quá 2 tuần. Ngoài các thuốc thông dụng trên hiện nay còn rất nhiều các loại thuốc dùng để xịt mũi cho trẻ đó là:
- Locabiotal: trong thành phần có fusafugin rất tốt để sát khuẩn mũi, họng, đề phòng nhiễm khuẩn mũi họng, làm cho niêm mạc mũi họng giữ được độ pH.
Tóm lại, các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi cho trẻ em hiện rất phong phú và khá phổ biến. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phải biết cách lựa chọn và sử dụng cho có hiệu quả và tránh những hậu quả xấu, tốt nhất nên dùng theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng trẻ em.