Sa tử cung: Nguyên nhân và cách trị bệnh trong đông y

sa tử cung đông y

Sa sinh dục là một bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ, gặp nhiều ở lứa tuổi tiền mãn và mãn kinh, đẻ nhiều lần, lao động nặng, chế độ dinh dưỡng kém. Tuy nhiên, bệnh lý này cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ trẻ tuổi, đang ở tuổi sinh đẻ. Bệnh gây nên những khó khăn trong sinh hoạt, lao động thường nhật và còn gây những biến chứng khác kèm theo …

Tỷ lệ bệnh lý sa sinh dục ở phụ nữ Việt Nam chiếm khoảng 2% trong tuổi hoạt động tình dục, gần 8% ở phụ nữ từ 40-50 tuổi, khoảng 8,5% ở độ tuổi từ 40 đến 70 tuổi và 10% ở độ tuổi từ 70-90 tuổi. Tỷ lệ này là 21% trong số phụ nữ 18-50 tuổi ở Mỹ và 2-13% trong số phụ nữ ở lứa tuổi trẻ tại Pháp.

Bệnh sa tử cung đã được biết đến và điều trị bằng Đông y từ lâu. Cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

Sa tử cung là chứng bệnh gì?

Sa tử cung (hay còn gọi là sa dạ con) là một chứng bệnh xảy ra ở phụ nữ đẻ nhiều, dinh dưỡng thiếu, lao động nặng sau khi đẻ gây ra trương lực của các cơ thành bụng, chậu hông và các dây chằng tử cung bị yếu làm tử cung bị sa.

Đông y  gọi bệnh này là chứng âm đỉnh, thoát âm, thoát trĩ.

Nguyên nhân của bệnh 

? Do khí hư hạ hãm

Cơ chế sinh bệnh là: Trung khí có tác dụng nâng đỡ các tạng phủ, giúp các tạng phủ giữ nguyên vị trí bình thường. Do khí hư nên các tạng đặc biệt là bào cung không được nâng đỡ, sa xuống mà thành bệnh.

Bệnh này chủ yếu là do khí hư hãm xuống, không thu vào được, tuy cũng có chứng thấp nhiệt, nhưng chứng thường thấy trên lâm sàng phần nhiều là sau khi đã sa xuống rồi bị cọ sát hoặc vỡ loét ra mà đau. 

Khi mắc chứng khí hư bạn sẽ có triệu chứng sau:

Trong âm hộ có khối sa xuống tận cửa mình hoặc lòi ra ngoài cửa mình, thậm trí sa lòi ra vài tấc bằng quả trứng ngỗng. Bụng dưới nặng nề vùng ngang lưng đau mỏi, tim hồi hộp, khí đoản, tinh thần mệt mỏi, tiểu tiện đi luôn, đại tiện lỏng, khí hư ra nhiều.

Khi mắc chứng thấp nhiệt bạn sẽ có triệu chứng sau:

Trong âm hộ có khối lồi ra, ngoài âm hộ sưng đau nước vàng ra dầm dề, đi đái nóng rát, lúc đái thì đau, lòng phiền, trong nóng, hoặc mình nóng tự đổ mồ hôi, miệng đắng mà khô, lưỡi đỏ rêu vàng mà có nhớt

Cách chữa bệnh sa tử cung theo y học cổ truyền

Nguyên tắc trị bệnh

Cách chữa bệnh sa tử cung (sa dạ con, chứng âm đỉnh)  căn cứ theo nguyên tắc Nội Kinh “hãm xuống thì đưa lên”, dùng bổ khí để đưa lên là chính. 

Cả đến chứng thấp nhiệt dồn xuống, tuy không nên dùng bổ, nhưng trong thuốc thanh nhiệt trừ thấp cũng nên chú ý dùng thêm thuốc có tính chất thăng đề, để đưa khí hạ hãm từ dưới lên, mới có thể thu được nhiều hiệu quả tốt.  Đồng thời lại phối hợp với phép châm cứu và phép chữa bệnh ngoài thì hiệu quả lại càng chóng hơn. 

Trong tất cả quá trình chữa bệnh nên nghỉ ngơi cho đúng mức, kiêng hẳn phòng dục và gánh vác nặng nề, để nâng cao hiệu suất trị liệu và dự phòng bệnh tái phát. 

Khí hư nên bổ khí thăng dương dùng bài Bổ trung ích khí thang làm chủ; thấp nhiệt thì nên thanh nhiệt lợi thấp dùng bài Long đởm tả can thang mà chữa.

Bài Bổ trung ích khí thang

  • Hoàng kỳ: 4g
  • Nhân sâm: 4g (tẩm mật nướng)
  • Chích thảo: 5g
  • Quy thân: 4g (sao rượu)
  • Bạch truật: 3g (sao đất)
  • Trần bì:7g
  • Thăng ma: 2g
  • Sài hồ: 3g
  • Sinh khương: 3 lát
  • Đại táo: 2 quả

Sắc với nước nóng, bỏ bã, uống hơi nóng vào lúc xa bữa ăn.

Bài Long đởm tả can thang

  • Long đởm thảo: 4g (sao rượu)
  • Sài hồ: 4g
  • Trạch tả: 4g
  • Xa tiền tử: 5g (sao)
  • Sinh địa hoàng: 5g (sao rượu)
  • Mộc thông; 5g
  • Đương quy: 5g (sao rượu)
  • Chi tử: 5g (sao)
  • Hoàng cầm: 5g (sao rượu)
  • Cam thảo: 5g

Sắc uống vào lúc xa bữa ăn

Thuốc nam chữa trị sa tử cung như thế nào?

Trong kho tàng sử dụng thuốc nam phong phú của nhân dân ta cũng có những bài thuốc để chữa chứng bệnh sa tử cung, đặc biệt đối với phụ nữ mới sinh con. PQA Nam Định có sưu tầm được một số bài thuốc như vậy và chúng tôi xin trình bày để quý bạn đọc cùng tham khảo.

? Sách “Tuệ Tĩnh toàn tập” có ghi bài thuốc chữa về cách trị sa dạ con sau sinh như sau:

  • Gừng già 3 cân để cả vỏ, giã nát, dầu mè 2 thăng, trộn đều sao khô, trước lấy lụa mềm gấp vuông lại 3,4 lần, khiến người khẽ tay nâng dạ con lên gấp làm 3 đoạn nhét vào trong âm hộ, rồi lấy lụa gối thuốc hơ nóng mà ép vào, nguội lại thay, làm như thế 1 ngày đêm thì nó thụt vào quá nửa, 2 ngày sau thì thụt vào hết.
  • Trước dùng nước nóng ngâm rửa cho mềm, rồi dùng phân chuột bỏ vào trong cái bát nhỏ, thắp lửa đốt, và dùng ống tre để dẫn khói vào mà xông, là thụt vào ngay rất hay.
  • Hột xà sàng gói lụa lại, nấu nóng mà chườm vào.
  • Hột xà sàng 5 lạng, Ô mai 4 quả. Cùng sắc với nước, ngày rửa 5, 6 lần, rất hay.
  • Kinh giới, Bồ kết. Đều bằng nhau, sắc nước đặc mà rửa, lại lấy nước sôi bôi vào là nó thụt vào.
  • Lá mần tưới 4 lạng, nấu nước mà xông, đợi ấm, thì rửa 2, 3 lần, lại cho phèn phi vào, nấu lên mà rửa là khỏi.
  • Lưu hoàng, Mai mực đều 5 phần, Ngũ vị tử 1 phần. Đều tán nhỏ, mỗi lần dùng 1 đồng bôi vào chỗ đau, ngày 2 lần rất là hay.

? Sách “Những bài thuốc nam hay” của Viện y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản y học – 1982) có giới thiệu kinh nghiệm trị bệnh của một số lương y như sau:

1. Cách chữa bệnh sa dạ con của Phan Văn Dừa (Phòng y tế thị xã Bến Tre)

  • Cà cỏ 50g (thái mỏng phơi khô) tán nhỏ
  • Đầu cua đinh, phơi râm thật khô 50g, tán nhỏ.
  • Mủ mù u dùng làm keo trét để dán.
  • Giấy súc phơi thật khô 4 tờ.

Tất cả các vật liệu trên, cuộn thành thỏi thuốc dài 30cm.

Giấy súc trải ra, trét mủ mù u lên, rắc thuốc đều lên mặt đã trét mủ mù u, cuộn tròn đến đáy, bẻ gấp đầu giấy lại rồi cuộn tiếp thành thỏi thuốc (như điếu ngải cứu).

Đem cắm thỏi thuốc vào chậu cát, giữa dựng một cái que cột thoi thuốc cho vững. Bên trên, bố trí một chỗ ngồi cho yên, (như một cái ghế có khoét lỗ ngay giữa), phía dưới dùng cái nón lá cũ, khoét lỗ thành phễu.

Đốt lửa cháy lên cho có khói (tắt lửa ngọn) trịt quần ngồi xông. Xông 1/3 cây thì dập tắt thoi thuốc, nhớ đừng để chúi đầu thoi thuốc trở xuống mà bị đổ hết thuốc.

Kết hợp cho uống thuốc: Bắc sa sâm tán, liều uống 1 thìa cà phê, ngày uống hai lần, uống ba ngày liên tục.

Các chữa này đã điều trị trên 350 ca đều đạt kết quả 100%.

2. Các chữa sa dạ con của Thích Tâm Ẩn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Dùng 14 hạt thầu dầu tía, giã nhỏ đắp lại thóp đầu (mỏ ác) dùng vải cố định, nó sẽ co lên dần, khi co lên vừa rồi phải bỏ ngay đi và lau sạch.

3. Các chữa sa dạ con của Nguyễn Trung Hòa (Viện y dược học dân tộc).

Theo kinh nghiệm của nhân dân, dùng muối rang một chén, đậy nắp rang cho nổ giòn, rồi đổ hai chén cám vào tiếp tục xào qua xào lại cho nó truyền nóng đều, đổ ra khăn gói lại đem lót lưng cho bệnh nhân nằm (nay gọi là chườm).

Đồng thời, khuấy hồ bột mì tinh gừng, sống giã lẫn với sáp trộn vào, trát lên giấy trắng đem dán lên bụng dưới. Khi nó co lên vừa đủ cũng phải gỡ ngay đi và lau rửa sạch.

Phối hợp dùng bổ trung ích khí thang, bôi Thăng ma 24g có khi là 30g. Mỗi tuần cho 3-5 thang, ngoài kết hợp cho dùng đầu cua đinh (ba ba, nhân dân hay phơi râm trước nhà) thật khô, bẻ vụn, bỏ trên mẻ than mà xông, đều thu được hiệu quả cao.


Tham khảo:

  1. Khoa y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội(2016), Bài giảng y học cổ truyền, tập 2, trang 417 – 423, Nhà xuất bản Y học
  2. Viện y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh (1982), Những bài thuốc nam hay, trang 72 – 74,  Nhà xuất bản Y học
  3. Giáo sư Trần Thúy, Tiến sĩ Lê Thị Hiền, Khoa y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội(2002), Sản phụ khoa y học cổ truyền, trang 203 – 204, Nhà xuất bản Y học.
  4. Khoa y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội (2005), Bài giảng y học cổ truyền, tập 2, trang 270, Nhà xuất bản Y học.
  5. Tuệ Tĩnh (2007), Tuệ tĩnh toàn tập, trang 255, Nhà xuất bản Y học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *