Nội dung chính
Sau một cuộc vượt cạn thập tử nhất sinh, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi đáng kể về tâm lý và sinh lý. Điều làm chị em lo lắng nhất là có thể họ sẽ mắc phải một số bệnh mà trước đó họ chưa bao giờ bị. Sa tử cung là một trong những bệnh đó. Các mẹ cần điều trị sớm bệnh này để không ảnh hưởng tới sức khỏe và việc chăm sóc con nhỏ.
Hiện tượng sa tử cung sau sinh là gì?
Tử cung (dạ con) là một cấu trúc cơ bắp được giữ cố định bởi các cơ và dây chằng vùng chậu. Nếu các cơ hoặc dây chằng này căng ra hoặc trở nên yếu đi, chúng không còn khả năng nâng đỡ tử cung, gây ra sa tử cung.
Sau khi sinh, trương lực các cơ âm đạo và cơ sàn chậu yếu đi, các dây chằng giãn ra sau mang thai và chuyển dạ từ đó “tạo điều kiện” cho bệnh sa tử cung phát triển.
Dấu hiệu nhận biết sa tử cung
Các triệu chứng thường gặp khi bị sa tử cung bao gồm:
- 100% có cảm giác có khối như quả bóng trong âm đạo.
- Nặng vùng xương chậu, đau khi giao hợp.
- Đau lưng.
Và thường kèm các triệu chứng khác:
Ở đường tiết niệu:
- Són tiểu.
- Tiểu đau.
- Đi tiểu ban đêm.
- Đi tiểu rỉ rỉ thay vì ra một dòng mạnh.
- Hay bị nhiễm trùng đường tiểu.
Ở đường hậu môn trực tràng
- Són phân.
- Đau khi đi đại tiện.
- Không đi đại tiện hết được, có khi người bệnh phải dùng ngón tay đẩy cục lồi vào bên trong mới đi đại tiện được.
- Táo bón.
Nếu bị nặng có thể có thêm các triệu chứng sau:
- Đi đứng khó khăn vì có một vật giữa hai chân.
- Đau đớn, khó chịu vì cục nhô cọ xát vào đùi hay quần.
- Ra nhiều huyết trắng.
Nguyên nhân sa tử cung sau sinh
Sa tử cung nói riêng và sa sinh dục nói chung có nguyên nhân là trực tiếp là do các cơ sàn chậu bị yếu.
Khi các các cấu trúc cân cơ, dây chằng nâng đỡ tại sàn chậu bị tổn thương và suy yếu thì các tạng trong vùng chậu như tử cung, bàng quang, trực tràng, thành trước, thành sau âm đạo… bị tụt xuống ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường.
Cụ thể, các nguyên nhân là:
- Chửa đẻ: Đẻ nhiều, đẻ dày, đẻ không an toàn, không đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu.
- Lao động quá nặng: Làm việc quá nặng hay quá sớm sau đẻ làm áp lực ổ bụng tăng lên khi các tổ chức còn yếu, chưa trở lại bình thường.
- Rối loạn dinh dưỡng: Thường gặp những người bị bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, lớn tuổi.
- Cơ địa: Ngoài ra còn do cơ địa bẩm sinh ở phụ nữ chưa đẻ lần nào, ở phụ nữ có sự thay đổi giải phẫu và chức năng của cơ quan sinh dục.
- Thiếu Estrogen – sa thời kì mãn kinh.
- Béo phì.
- Tăng áp suất bụng mãn tính (táo bón, ho kinh niên).
Các mức độ của bệnh
Theo hệ thống POP-Q, phân loại sa tử cung (sa sinh dục) thành 4 mức độ:
- Độ 0: Không sa sinh dục. Aa, Ap, Ba, Bp 3cm nằm trên màng trinh. Điểm C hoặc D: (Tlv – 2) < C, D <= Tlv.
- Độ 1: Có B > 1cm trên màng trinh
- Độ 2: Có B trong khoảng 1cm trên hoặc dưới màng trinh
- Độ 3: Có B > 1cm dưới màng trinh đến nhỏ hơn khoảng (Tlv – 2cm)
- Độ 4: Sa sinh dục toàn bộ, B >= (Tlv – 2cm)
Hoặc có thể phân mức độ sa các tạng vùng chậu theo cách phân loại truyền thống như sau:
- Sa độ I
- Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang)
- Sa thành sau ( kèm theo sa trực tràng)
- Cổ tử cung ở thấp nhưng còn ở trong âm đạo, ngang với hai gai tọa, chưa nhìn thấy ở ngoài âm hộ.
- Sa độ II
- Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang )
- Sa thành sau âm đạo (kèm theo sa trực tràng)
- Cổ tử cung thập thò âm hộ
- Sa độ III
- Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang)
- Sa thành sau âm đạo (kèm theo sa trực tràng)
- Tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ
Mắc sa tử cung sau sinh có nguy hiểm không?
Sa cơ quan vùng chậu hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Nhưng nó có thể gây ra một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Các vấn đề về kiểm soát bàng quang (tiểu không kiểm soát)
- Các vấn đề về kiểm soát đường ruột ví dụ đi ngoài ra phân lỏng hoặc rắn.
- Đau khi quan hệ tình dục
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tổn thương thận nếu hiện tượng sa tử cung làm tắc đường tiểu.
Điều trị sa tử cung sau sinh
Điều trị nội khoa
Được chỉ định trong các trường hợp sa tử cung độ 1-2, chưa có biến chứng hay ảnh hưởng quá nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bao gồm:
- Thay đổi thói quen, sinh hoạt phù hợp ví dụ như duy trì cân nặng hợp lý, tránh khiêng vác nặng
- Sử dụng nội tiết estrogen tại chỗ (dạng viên đặt âm đạo hay kem bôi thoa)
- Tăng cường cơ vùng chậu bằng cách thực hiện các bài tập Kegel
- Đặt vòng nâng tử cung qua đường âm đạo (đeo vòng Pessery)
>> Xem thêm: Bí quyết chữa trị sa tử cung theo đông y
Điều trị ngoại khoa
Có nhiều phương pháp phẫu thuật trong điều trị sa tử cung. Mục đích phẫu thuật nhằm phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước, thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn.
Các yếu tố có liên quan đến lựa chọn phương pháp phẫu thuật:
- Tuổi và khả năng sinh đẻ sau khi phẫu thuật
- Khả năng sinh lý tình dục
- Thể trạng chung của người bệnh
- Mức độ sa sinh dục
Để có được cuộc phẫu thuật an toàn hiệu quả nhất, chị em nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và chữa trị đúng cách.
Phòng tránh sa tử cung sau sinh
- Sau đẻ không nên lao động quá sớm và quá nặng.
- Tránh táo bón bằng cách ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây kết hợp đi lại, vận động nhẹ nhàng.
- Thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường cơ vùng chậu của bạn.
- Giữ ấm cho cơ thể, ngăn ngừa ho, cảm lạnh vì ho gây áp lực lên vùng chậu có thể dẫn đến sa tử cung.
Tóm lại, các chị em bị mắc chứng sa tử cung sau sinh cần lưu ý những điểm chính sau:
- Do sau khi sinh con các cơ và mô trong xương chậu yếu đi, điều này khiến tử cung tụt xuống âm đạo.
- Các triệu chứng phổ biến bao gồm: rò rỉ nước tiểu, đầy hơi trong xương chậu, phồng lên trong âm đạo, đau thắt lưng và táo bón.
- Điều trị sa tử cung bao gồm: thay đổi lối sống, đặt vòng Pessary hoặc phẫu thuật.
- Có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách vận động nhẹ nhàng sau khi sinh, ăn nhiều chất xơ và thực hiện các bài tập Kegel.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/uterine-prolapse
- https://www.webmd.com/women/guide/prolapsed-uterus
- Phác đồ điều trị sản phụ khoa – Bệnh viên Từ Dũ (2015) – Trang 192.
- Sách “Sản phụ khoa” – Đại học y dược Huế – Trang 261.